Từ khi Bộ GTVT Việt Nam ban hành tiêu chuẩn TCVN 11823:2017 theo quyết định 3859/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 trên nền tảng tiêu chuẩn AASHTO LRFD 2014 đến nay TVEn đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống phân tích kết cấu dùng chung cho toàn công ty. Với những kinh nghiệm trong thực hiện công tác khảo sát và thiết kế công trình giao thông, chúng tôi có một số nhận xét tổng quan như sau:
1. Hệ thống: TCVN 11823:2017 sử dụng hệ thống chỉ mục bỏ đi tên số chương ở các điều mục diễn giải.
- Điểm có lợi: có thể ghi vắn tắt diễn giải về tính toán trong một số trường hợp.
- Điểm không có lợi:
- Không tương thích với AASHTO LRFD: vì thiếu tên chương trong các điều mục dẫn giải, dẫn đến sự không tương ứng của 2 tiêu chuẩn (TCVN được biên dịch từ tiêu chuẩn AASHTO LRFD) nên người dùng khó theo dõi xuyên suốt cả quá trình. Do vậy, để làm rõ lại phải ghi kiểu "Điều xxx - phần yyy..." lặp đi lặp lại càng làm cho các thuyết minh dài dòng hơn;
- Thiếu phần ký hiệu trong một số chương: điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán trong toàn bộ các diễn giải;
- Nhiều công thức bị sai khi đối chiếu với AASHTO LRFD, các diễn giải dịch sai và lệch lạc về nghĩa khi so với bản AASHTO LRFD.
2. Phần 3: Tải trọng và hệ số tải trọng: có sự thay đổi trong việc phân tích lực va tàu.
3. Phần 4: Cho phép phân tích nội lực bản mặt cầu bằng phương pháp tra bảng.
4. Phần 5: Kết cấu bê tông: có sự thay đổi lớn:
- Tính chất vật liệu của bê tông: các thay đổi so với 22TCN 272-05: modulus đàn hồi, co ngót - từ biến.... Ở một số điều tự mâu thuẫn với nhau: phạm vi áp dụng ở điều 1: f'c = 16 ÷ 70 MPa là cơ bản nhưng cũng cho phép thiết kế bê tông có cường độ lớn hơn. Mục 4.2.1 lại qui định khi f'c>70 MPa chỉ đươjc dùng khi được cho phép bởi các qui định cụ thể và khi có thí nghiệm vật lý. Ở một số điều khác: cho phép tính toán với f'c đến 105 MPa.
- Chiều dài triển khai cốt thép được phân tích khác nhiều so với bản AASHTO LRFD. Đối chiếu với bản ACI 318R-14 cũng sai khác dẫn đến việc thiếu nhất quán trong cùng bộ tiêu chuẩn (kể cả ký hiệu).
- Phần tính toán bê tông cốt thép ứng suất trước: khác hẳn so với 22TCN 272-05
5. Phần 10: Nền móng:
- Hệ số sức kháng của cọc: có sự thay đổi về triết lý tính toán dùng cho cọc. Nếu như 22TCN 272-05 (AASHTO LRFD 1998) kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm thông qua hệ số sức kháng tổng hợp có xét đến việc triển khai thực hiện thí nghiệm ngay trong phân tích lý thuyết thì trong TCVN 11823:2017 (AASHTO LRFD 2014) đã tách bạch làm 2 phần: phần thuần túy cho thí nghiệm cọc và phần thuần túy lý thuyết. Điều đó dẫn đến hệ số sức kháng dùng cho cọc tính theo lý thuyết sẽ bị giảm nhanh theo lý thuyết độ tin cậy nên cọc dự kiến có khuynh hướng kéo dài ra để đảm bảo sức chịu tải.
- Cọc đóng: có bổ sung phương pháp Nordlund/Thurman. Phương pháp xác định sức kháng mũi cọc bằng SPT hoặc CPT trong đất rời có sự khác biệt rất lớn so với 22 TCN 272-05. Theo đó, sức kháng mũi cực hạn tăng lên đến 8 lần đối với cát và 6 lần đối với cát bột không pha sét so với 22 TCN 272-05 và hoàn toàn phù hợp với AASHTO LRFD. Như vậy, trước đây, 22 TCN 272-05 đã dịch sai về nội dung này.
- Cọc siêu nhỏ: là cọc khoan có đường kính nhỏ hơn 300mm là phương án cọc mới được áp dụng theo tiêu chuẩn này.
6. Phần 6: chúng tôi chưa kiểm tra nên chưa có nhận định.
7. Các phần khác: các sai sót trùng với các nội dung nêu trên nên chúng tôi không đề cập.